Bản năng thời trang

Bài viết của

Gần như bất kỳ bài phỏng vấn nhà thiết kế thời trang nào cũng bắt đầu (hoặc bao gồm) câu hỏi sau: “Cảm hứng cho BST mới nhất của ông tới từ đâu?” Rất tiếc, đây lại là câu hỏi mà các nhà thiết kế ít mong đợi nhất – bởi cảm hứng của họ tới từ chính những gì mà bản năng họ mách bảo là đúng!

Bản năng của các nhà thiết kế

Hãy hỏi Marc Jacobs về nguồn cảm hứng bất tận cho các bộ sưu tập của ông, rất có thể bạn sẽ chỉ nhận được những tiếng“ậm ừ” thay cho câu trả lời. Hãy đặt câu hỏi tương tự cho bất kỳ nhà thiết kế nào khác, rất có thể bạn cũng sẽ nhận được những câu trả lời không khác biệt là mấy. Richard Nicoll, Jonathan Saunder – tất cả đều viện dẫn bản năng cho các nguồn cảm hứng của mình. Thậm chí ngay cả nhà thiết kế nổi tiếng người Mỹ, Bill Blass, sinh thời cũng từng khẳng định: “Thời trang về căn bản là một vấn đề thuộc về bản năng.”

Coco Chanel. Ảnh do Chanel cung cấp

Mặc dù nghe có vẻ mơ hồ và khó hiểu nhưng chính xác điều này đang diễn ra như vậy. Những thiết kế cao siêu, những đường cắt cúp gợi cảm, những đường xẻ táo bạo, những kiểu mẫu cách tân đầy sáng tạo, tất cả chưa chắc đã phụ thuộc vào các nghiên cứu thị trường. Bởi tôi không tin rằng nếu phụ thuộc hoàn toàn vào các điều nghiên, các thiết kế giày với những gợn sóng, những mắt kính với những kiểu dáng oái oăm của Prada sẽ được chấp thuận. Các mẫu thiết kế đã ra đời với một lòng tin của các nhà thiết kế, của các vị chủ tịch vào bản năng lựa chọn. Tất nhiên, trong khi đó, các tín đồ cũng dành cho những lựa chọn này những lòng tin tương tự bởi trong suy nghĩ của họ mỗi nhà thiết kế chính là một vị thánh!

Một số nhà thiết kế thời trang, dù không chia sẻ cảm hứng của họ tới từ bản năng nhưng có cách trả lời khiến cho người nghe dễ hiểu rằng thời trang của họ tới từ chính bản năng của họ. Donatella Versace nói bà là phụ nữ, bà hiểu phụ nữ muốn gì, cần gì từ thời trang. Điều này có nghĩa thời trang của bà là thời trang bản năng của một người phụ nữ. Trước đó rất lâu, Coco Chanel cũng từng tuyên bố: “Tôi không làm thời trang, tôi là thời trang.” Với cách tuyên bố này, Chanel như muốn nói bản năng của bà là thời trang, mọi thứ thuộc về bà, từ cách tạo dáng, cách lựa chọn trang phục, vẻ mặt, lối sống, tất cả đều thuộc về thời trang.

Madonna mặc chiếc áo hình chóp nón do Jean Paul Gaultier thiết kế trong tour lưu diễn Blonde Ambition.

Một nhà thiết kế thời trang, sau tất cả những thời gian đào tạo, học việc, học nghề cần phải là một người sở hữu bản năng thời trang hay một năng khiếu về thời trang. Yves Saint Laurent tới làm việc cho nhà Christian Dior năm mới 17 tuổi. Ở tuổi đó, những kiến thức thuộc về tỷ lệ, hình khối không quan trọng bằng bản năng của một nhà thiết kế. Tom Ford cũng từng thú nhận với tờ Prestige ông đã mặc những chiếc váy trong phòng ngủ để biết được trải nghiệm của một phụ nữ về cảm giác của việc mặc váy.

Một ví dụ khác, Gaultier chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những chiếc áo lót của bà ngoại mình. Có giai thoại kể rằng ngay từ lần đầu tiên chạm tay vào chiếc áo lót của bà ngoại, Gaultier đã biết đây chính là nguồn cảm hứng thời trang của mình. Sau này, chúng ta có chiếc áo hình chóp nón đã đồng hành với Madonna trong tour lưu diễn Blonde Ambition. Hay ngay từ năm mới 13 tuổi, Gaultier đã thiết kế những mẫu trang phục cho bà ngoại và cho mẹ của mình.

Bản năng của người tiêu dùng

Bạn nghĩ gì về những người không thiết kế thời trang nhưng vẫn có thể trở thành những fashion icon? Thực tế, những người này có chung với các nhà thiết kế một điều đó là cả hai đều có gout ăn mặc, hoặc có khả năng nhận biết những thứ đặc biệt và kết hợp những thứ đặc biệt (hoặc không đặc biệt) này với nhau để tạo thành một thứ đặc biệt. Rachel Zoe là một ví dụ điển hình. Khởi nghiệp chỉ là một stylist chuyện lựa chọn đồ và đưa ra những gợi ý phối đồ cho những người nổi tiếng, Rachel Zoe nhanh chóng trở thành cái tên đặc biệt tới mức cô được những ông hoàng Trung Đông chi tiền để đi mua sắm quần áo cho con cái của họ. Và giờ Rachel Zoe đã là một cái tên được đặt cạnh những nhà thiết kế tên tuổi trong các show diễn thời trang Xuân – Hè và Thu – Đông.

Victoria Beckham là một ví dụ khác, tưởng rằng sự nghiệp của cựu thành viên của Spice Girls sẽ được đặt dấu chấm hết sau khi ban nhạc tan rã nhưng Victoria với một bản năng thời trang của mình đã nhanh chóng bước sang một sân chơi mới và thành công ở lĩnh vực này. Hiện nay, Victoria Beckham đang là thương hiệu rất được yêu thích. Victoria và Rachel có thể xem là hai ví dụ điển hình cho thấy những người tiêu dùng có bản năng thời trang tinh tế có thể trở thành những nhà thiết kế, sở hữu những thương hiệu thời trang.

Thời trang đang chứng kiến một cuộc “dân chủ hóa” mạnh mẽ. Những nhà thiết kế, những biểu tượng thời trang, những người có ảnh hưởng tới ngành công nghiệp này không phải ai xa lạ mà có thể chính là hàng xóm của bạn, hoặc có thể là chính bạn chỉ cần bạn có một bản năng thời trang mạnh mẽ. Bạn cần chứng minh điều này? Tavi ngồi cạnh chủ biên của tạp chí Vogue Mỹ trong tuần lễ thời trang danh tiếng của Pháp. Marc Jacobs đích thân mời một blogger tới tham dự tuần lễ thời trang của mình. Những điều này chứng tỏ rằng các nhà thiết kế đang quan tâm tới khách hàng của họ – mà đại diện là các blogger – hơn bao giờ hết.

Donatella Versace chào sân BST Xuân Hè 2021 của Versace

Chính các nhà thiết kế cũng ghi nhận bản năng sáng tạo của khách hàng. Theo Marc Jacobs những người phụ nữ tới mua hàng, họ tới mua hàng, họ chẳng hề quan tâm tới cảm hứng của những thiết kế tới từ đâu, họ thậm chí chẳng buồn quan tâm tới việc các biên tập viên thời trang viết gì về bộ sưu tập đó. Điều duy nhất mà những người phụ nữ này quan tâm là những sản phẩm đó có đẹp và chất lượng không.

Lựa chọn một sản phẩm là đặc quyền mang tính bản năng nhất của mỗi cá thể. Giống như những đứa trẻ, chúng ta biết chắc chắn chúng ta mong muốn sản phẩm nào trước khi chúng ta có thể đưa ra những giải thích tường tận như do tỷ lệ, màu sắc hay chất liệu. Những khách hàng có bản năng thời trang mạnh mẽ là những người sẽ chẳng quan tâm tới những logo, thay vào đó, họ quan tâm tới màu sắc, các thiết kế ưu việt được ra đời từ bản năng của những nhà thiết kế thiên tài.

Cảm hứng bản năng

Tôi không nhớ đã đọc ở đâu đó rằng: “Xét cho cùng, chúng ta không lớn lên từ những khối bê tông cốt thép, chúng ta lớn lên từ những khu rừng.” Có lẽ chính vì thế, chúng ta có thể thấy trong thời trang, cảm hứng tới từ những khu rừng nhiều hơn tới từ bất kỳ đâu. Hãng trang sức Van Cleef & Arpels có cảm hứng chủ đạo từ những con bướm và những chú chim. Alexander McQueen tới giờ vẫn gây ấn tượng với giới mộ điệu với bộ sưu tập lấy cảm hứng từ những loài rắn biển. Trong khi đó, chúng ta dễ dàng nhận biết thương hiệu Roberto Cavalli qua những chi tiết trang trí là hình ảnh của những loài bò sát.

Alexander McQueen Xuân Hè 2010

Bên cạnh những cảm hứng từ các khu rừng, những chất liệu sang trọng và đắt đỏ nhất trong thế giới thời trang là những chất liệu tới từ những loài động vật. Cashmere được dệt từ lông của dê Tây Tạng, túi Hermès được may từ da đà điểu, da cá sấu Nam Mỹ. Còn Fendi vẫn là hãng trung thành với những thiết kế được chế tác từ lông, da của động vật.

Mẫu giầy trong BST Alexander McQueen Xuân Hè 2010

Như vậy, theo một cách nào đó, chúng ta vẫn trung thành với bản năng của mình. Những sản phẩm có nguyên liệu từ động vật hoặc có cảm hứng từ động vật nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta là những “thợ săn nguyên thủy.”

Sale và bản năng

Những “thợ săn nguyên thủy” ở thế kỷ 21 vẫn tiếp tục đi săn. Và mùa săn của chúng ta – của những tín đồ yêu thời trang – cũng có tên gọi riêng. Đó là những Mùa Sale. Đó là khi chúng ta, được trang bị bởi các loại thẻ khác nhau, từ ANZ tới Standard Chartered, các loại thẻ V.I.P sẽ lao tới các cửa hiệu thời trang Gucci, Runway để săn tìm cho mình những món đồ giảm giá với mức giảm tới 70%. Chúng ta book vé máy bay ra nước ngoài cũng chỉ với một mục đích duy nhất, săn tìm những món đồ thời trang giảm giá.

Versace Xuân Hè 2021

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt giữa những “thợ săn của thế kỷ 21” và những “thợ săn trong qua khứ”. “Những thợ săn của thế kỷ 21” thường là phụ nữ, họ miệt mài săn tìm những món đồ thời trang. Trong khi những “thợ săn trong quá khứ” thường là đàn ông, và những thứ họ săn tìm thường không phải là xu thế. “Những thợ săn của thế kỷ 21” cũng sở hữu những kỹ năng đặc biệt trong việc săn tìm những món đồ sale. Họ biết những món đồ sẽ vẫn còn trên giá cho tới khi mức giảm giá xuống tới 70%. Nhưng họ cũng biết những món đồ sẽ bị kẻ khác nẫng ngay khi mức giảm giá chỉ mới ở 30% và nếu thực sự yêu thích món đồ đó, họ sẽ không ngần ngại giành ngay cho mình món đồ đó. Một lần nữa, điều này có được là nhờ bản năng của mỗi người phụ nữ.

Evastyle.vn là chuyên trang mang đến xu hướng, phong cách mới nhất giúp nàng sành điệu, xinh đẹp và sâu sắc hơn. Evastyle còn cập nhật mọi điều mà một cô nàng hiện đại quan tâm như bí quyết làm đẹp, thông tin văn hóa, thời trang, phim ảnh, địa điểm du lịch, ẩm thực. Ngoài ra, Evastyle cũng mang đến những nhân vật truyền cảm hứng, đầy thú vị…