Goyard mới là thương hiệu biểu tượng địa vị của những người giàu nhất thế giới!
Tờ Business Insider từng giật tít rất kêu về thương hiệu này: Quên Louis Vuitton và Hermès đi! Goyard mới là thương hiệu biểu tượng địa vị của những người giàu nhất thế giới.
Tất cả các thương hiệu xa xỉ đều cố gắng thuyết phục mọi người về sự độc đáo và quý hiếm, nhưng rất ít trong số đó đủ can đảm để im lặng và kín tiếng như cách mà Goyard đã làm suốt 168 năm qua (thành lập năm 1853, sớm hơn Louis Vuitton một năm). Bạn sẽ không bao giờ thấy tiệc ra mắt sản phẩm hay buổi diễn của hãng này ở Tuần lễ thời trang. Sự ẩn dật của thương hiệu trong thời buổi các nhãn hàng xa xỉ đang cố gắng bán ra càng nhiều sản phẩm càng tốt đã đẩy cao sự khao khát sở hữu của người hâm mộ.
Chiến lược truyền thông của Goyard chính là sự im lặng. Họ bỏ qua các chiến dịch quảng bá thương mại điện tử hay chiến dịch sử dụng ngôi sao, thậm chí rất ít khi nhận lời phỏng vấn; hạn chế tung tràn lan sản phẩm ra thị trường. Cuối cùng hóa ra chính chiến thuật kín tiếng này đã tạo nên sự bí ẩn bao quanh thương hiệu lâu đời, vô tình lại trở thành tiếng vang lớn nhất, có sức nặng nhất trong giới yêu thời trang cao cấp.
“Sự xa xỉ là một giấc mơ, vì vậy nếu để lộ quá nhiều thông tin hậu trường sẽ phá hỏng điều kỳ diệu”, một đại diện của nhà Goyard từng phát biểu, “Và chúng tôi tin rằng thì thầm câu chuyện nhẹ nhàng vào tai một người không chỉ thanh nhã hơn, mà còn hiệu quả hơn nhiều so với cố hết sức để gào thét tạo tiếng vang”.
Chính sự bí ẩn đã tạo nên niềm khao khát rất lớn. Ai cũng thích độc quyền, có giới hạn; và có gì độc quyền, độc đáo hơn một thương hiệu có di sản và sức quyến rũ được xây dựng dựa trên lời truyền miệng của những người tiêu dùng, cũng là những khách hàng có tầm ảnh hưởng.
Khi mà LV, Gucci ngày càng trở nên tràn lan thì Goyard với danh tính bí ẩn trở thành liều kích thích cho những tay chơi đồ xa xỉ. Không lạ khi dân chơi đồ hiệu ở Việt Nam gần đây đã chú ý đến Goyard. Tối cuối tuần, dạo một vòng những địa điểm hot của giới trẻ Hà Nội - Sài Gòn, dễ nhận ra những "tín đồ hàng hiệu" xách túi, ba lô, clutch Goyard để chứng minh sự khác biệt giữa rừng Gucci, LV nhan nhản.
Chiếc túi tote classic của Goyard giá 1150 đô la, rẻ hơn so với LV never full (giá tầm 1810 đô la) vì thế hai chiếc túi này rất hay được đem ra so sánh. Goyard tuy giá thành rẻ hơn nhưng giá trị độc quyền của chiếc túi khiến chúng có vị thế, không bị xem là đại trà. Những chiếc túi Goyard vintage được săn lùng rất nhiều trên thị trường mua bán lại trên toàn thế giới. Những chiếc rương hiếm và nhiều sản phẩm từ Goyard được giới sưu tầm tìm kiếm thu mua, nhiều bộ sưu tập hiếm được mua với giá khủng ở các cuộc đấu giá.
Rất nhiều ngôi sao danh tiếng, giới quý tộc và các chuyên gia hàng đầu thế giới sử dụng hành lý hoặc túi xách Goyard. Với đường in zig zag đặc trưng (chevron) trên nền canvas, dễ dàng nhận ra sản phẩm của hãng xuất hiện trên những bức ảnh đời thường của nhiều nhân vật đình đám như Mergan Markle, Kendall Jenner, Kanye West, Pharrell Williams, Selena Gomez hay đầu bếp sao Michelin Alain Ducasse - có hẳn rương Goyard để đựng... dao bếp.
Danh sách khách hàng của Goyard còn có những cái tên đã trở thành bất hủ như: Coco Chanel, Pablo Picasso, Karl Lagerfeld, Nữ công tước xứ Windsor, nhà văn Conan Doyle… Chính những khách hàng chất lượng này khiến Goyard không cần tốn phí marketing mà nghiễm nhiên được xem là biểu tượng của sự xa xỉ, chứng minh vị thế của người giàu có gu.
1. Goyard được thành lập năm 1853, trước Louis Vuitton đúng 1 năm. Người sáng lập ban đầu là ông Pierre-François Martin từ năm 1792, nhưng sau đó người kế vị - ông François Goyard đã đổi tên công ty từ năm 1853.
2. Hãng sử dụng chữ cái giữa thay vì chữ cái đầu làm biểu tượng. Trong khi hầu hết các thương hiệu dùng chữ cái đầu của tên để làm họa tiết hoa văn thì Goyard lại dùng chữ Y để tạo nên họa tiết in đặc trưng nhận diện của sản phẩm.
3. Ký hiệu Goyard không còn vẽ tay như trước, nhưng khách hàng có thể đặt vẽ tay riêng tên mình trên túi. Ngày xưa, ký hiệu Goyard được vẽ tay, nhưng ngày nay đã được làm bằng máy. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể đặt những chiếc túi được vẽ tên riêng của chủ nhân bởi nghệ nhân của Goyard, với mức phí cộng thêm.
4. Goyard là thương hiệu cao cấp duy nhất không bán bất cứ thứ gì trực tuyến. Thương hiệu chỉ có 4 danh mục sản phẩm - hành lý du lịch, túi xách và phụ kiện nam và nữ, phụ kiện cho thú cưng và các đơn đặt hàng đặc biệt - và không có sản phẩm được bán online. Bạn phải đến tận nơi mua tận chỗ.
5. Goyard không mở cửa hàng tràn lan. Họ rất hạn chế mở cửa hàng vì không muốn chuyện mua sản phẩm Goyard trở nên quá dễ. Ở Mỹ không có quá 10 cửa hàng Goyard, trong khi Hermes mở 24 cửa hàng và Louis Vuitton mở tới 108 cửa hàng.
6. Nếu bạn thấy túi đeo bao tử fanny bag hiệu Goyard thì đó chắc chắn là... hàng fake. Thỉnh thoảng hãng trả lời bình luận của người tiêu dùng trên các trang mạng xã hội, và thẳng thừng khẳng định không bao giờ sản xuất túi bao tử (được xem là không liên quan đến sang trọng thanh lịch).
7. Sách về lịch sử Goyard rất đẹp, muốn đọc nó bạn phải đến Pháp đặt cuộc hẹn. Quyển sách về lịch sử Goyard chỉ có 233 phiên bản (theo số địa chỉ 233 đường Saint Honore, tổng hành dinh của hãng ở Paris). Mỗi quyển được đặt trong một cái rương riêng. Tất nhiên 233 bản này đều bán sạch hết rồi, không thể mua được nữa, nhưng nếu bạn muốn xem nó thì có thể đặt hẹn tại cửa hàng ở Pháp.
8. Goyard cho phép bạn đặt riêng hầu như mọi thứ bạn có thể nghĩ ra. Tất nhiên là phải theo tiêu chuẩn chất lượng của hãng. Nếu bạn có tài khoản ngân hàng đủ để chơi, thì Goyard sẽ làm bất kỳ sản phẩm rương du lịch nào theo concept hình thù, công năng mà bạn tưởng tượng ra. Ví dụ như chiếc rương trở thành bàn viết di động cho Sir Arthur Conan Doyle - tác giả của Sherlock Holmes.