'Mùa dịch đâu phải cuộc chiến ai nhanh chân hơn thì tồn tại'

Bài viết của

Mua ít và tiêu thụ ít đi, không phải vì thiếu tiền, đơn giản vì đó là điều nên làm trong mùa dịch.

 

“Sáng mai bác nhớ dậy sớm để đi chợ nhé, có gì cứ mua hết, không là không kịp đâu”.

Tin nhắn đến vào lúc gần nửa đêm ngày 6/3 từ người em dâu khiến bác Thanh Tâm (52 tuổi, Hà Nội) không khỏi lo lắng ít nhiều. Ngày 6/3 cũng là ngày bệnh nhân số 17 được phát hiện dương tính với Covid-19 tại Hà Nội.

Một Hà Nội vốn đang khá yên tâm về tình hình dịch bệnh sau một thời gian dài không có thêm người nhiễm mới ngay lập tức xáo động trong sự bất an, lo sợ.

Lẽ thường, những người nội trợ, quán xuyến việc gia đình như bác Tâm sẽ lo lắng liệu còn đủ thức ăn cho cả nhà, có nên mua thêm đồ ăn?

'Mua dich dau phai cuoc chien ai nhanh chan hon thi ton tai' hinh anh 1 lotte_zing11_1.jpg

Việc làm khan hiếm nguồn hàng chỉ khiến những tầng lớp khó khăn hơn như người già, người khuyết tật, lao động nghèo càng khó bảo vệ bản thân hơn trong mùa dịch. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sau một hồi nhẩm tính, bác Tâm thấy lượng thực phẩm vẫn đủ trong khoảng hơn một tuần nữa, chỉ cần mua thêm một số đồ sinh hoạt lặt vặt. Cảnh tượng đi vào siêu thị, tranh nhau giành từng cân thịt, cân rau tạm thời không tính đến.

Giải thích một hồi về việc mua nhiều chỉ làm tình hình rối ren hơn, song người em dâu của bác vẫn khăng khăng cần mua thêm, thậm chí còn bảo sẽ lái ô tô đi mua hàng để có cốp sau đủ chỗ chứa.

“Người mắc virus ở ngay trong nội thành thủ đô, cách nơi mình ở có vài cây số, bảo yên tâm thì không thể. Nhưng nếu bảo phải mua lương thực chất đống thì không cần thiết. Thị trường vẫn đảm bảo nguồn cung nhưng không phải mấy ai cũng hiểu được điều này”, bác Tâm khẳng định.

Tâm lý lo sợ trước dịch bệnh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, xét cho cùng, đó không phải là lý do chính đáng để mỗi người tranh giành kịch liệt, xếp hàng dài trong siêu thị trong hàng giờ liền để mua bằng được hàng tích trữ.

Mua ít và tiêu thụ ít đi, không phải vì thiếu tiền, đơn giản vì đó là điều nên làm trong mùa dịch.

'Mua dich dau phai cuoc chien ai nhanh chan hon thi ton tai' hinh anh 2 lotte_zing16.jpg

Tinh thần sẻ chia cộng đồng là điều cần thiết để đem lại một bằng chung đều được phòng vệ, đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch. Ảnh: Quỳnh Danh.

Người già, lao động nghèo càng dễ tổn thương hơn

Trên thực tế, việc làm khan hiếm nguồn hàng chỉ gây ra tâm lý tích trữ và làm khó khăn cho những người ở những tầng lớp vốn đã khó tiếp cận với mặt bằng y tế chung lại càng dễ có nguy cơ nhiễm bệnh.

Không chỉ người nghèo, những đối tượng như người cao tuổi, mẹ đơn thân, người khuyết tật cũng chịu phần thiệt thòi lớn khi dịch bệnh đe dọa đến cuộc sống.

Theo The Guardian, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn nước Mỹ, hàng triệu lao động thu nhập thấp làm việc trong các ngành dịch vụ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương do không được hưởng các phúc lợi về y tế phù hợp và chính sách nghỉ có hưởng lương.

Chuyên gia lo ngại nhóm đối tượng này này có khả năng nhiễm bệnh cao, hoặc, do thiếu bảo hiểm y tế và nghèo đói, sẽ làm lây lan virus nhanh trong cộng đồng vì vẫn phải tiếp tục làm việc nếu nhiễm bệnh.

'Mua dich dau phai cuoc chien ai nhanh chan hon thi ton tai' hinh anh 3 Untitled.png

Tại mảnh đất đắt đỏ Hong Kong, một chiếc khẩu trang cũng trở thành đồ xa xỉ với người nghèo. Ảnh: SCMP.

Vào những ngày virus corona lây lan nhanh, có đến 10.000 người Hong Kong xếp hàng gần 30 tiếng để mua khẩu trang. Tuy nhiên, nhiều người quá già yếu hoặc quá nghèo đã không thể mua được, South China Morning Post đưa tin.

Một số người phải hấp khẩu trang để sử dụng lại và thậm chí một người mẹ đơn thân ở Tai Kok Tsui đã sử dụng cùng 1 chiếc khẩu trang trong 5 ngày liền.

“Tôi treo khẩu trang sau cửa để nó khô và mỗi ngày tôi lật mặt còn lại của khẩu trang lên để dùng. Tôi biết điều này không tốt nhưng tôi không muốn chi quá nhiều tiền cho khẩu trang bị đội giá”, cô nói.

Dịch bệnh đe dọa trực tiếp đến tính mạng từng người dân nhưng với người nghèo, cơ hội an toàn càng thêm phần mong manh hơn.

Simon Wong (64 tuổi), sống trong căn nhà vỏn vẹn 2 m2, đủ chỗ để duỗi chân giữa mảnh đất Hong Kong đắt đỏ. Gọi là nhà nhưng đây chỉ là một cái giường mà ông Wong phải leo lên bằng thang, một kiểu không gian sống phổ biến với tên gọi "nhà quan tài".


Sống nhờ trợ cấp xã hội, ông Wong không có tiền để mua khẩu trang và nước rửa tay. Để đối phó, ông lấy nước rửa tay từ các bệnh viện công, nơi cung cấp miễn phí cho du khách. Ông cũng mang một chiếc khẩu trang trong nhiều ngày liên tục.

Thực tế u ám ấy đẩy người nghèo ở Hong Kong đến tình trạng rằng thà đi cách ly, thậm chí ngủ ngoài đường còn tốt hơn ngủ trong căn hộ "quan tài" giữa mùa dịch Covid-19.

"Tôi sợ virus dễ dàng phát tán từ 'lồng' này qua 'lồng' khác. Ở đây an toàn hơn. Dù đây là đường hầm thì vẫn có thông gió từ trên cao xuống", Peter (66 tuổi) nói với Reuters.

Đâu phải cuộc đua xem ai nhanh chân hơn

Sau một buổi sáng tất tả, số thực phẩm người em dâu bác Tâm khuân về chiếm nguyên một góc nhà.

Tổng ba bao gạo 60 kg, hơn chục thùng lớn nhỏ đựng trứng, rau củ quả cho đến các loại thức ăn đóng hộp như ruốc, mắm tép cũng được mua với số lượng lớn.

Kết quả, số đồ ăn vượt ngoài khả năng tiêu thụ của gia đình 7 người. Để nguyên thì khả năng nhiều đồ sẽ bị hỏng trước khi có cơ hội nấu đến, bác Tâm lại phải tìm cách chia bớt cho hàng xóm, họ hàng xung quanh.

Một phần lớn đồ ăn được bác nhường cho người giúp việc làm việc theo giờ của nhà.

'Mua dich dau phai cuoc chien ai nhanh chan hon thi ton tai' hinh anh 6 8_2_.jpg

Nữ sinh 13 tuổi Hime Takimoto trao 612 chiếc khẩu trang tự làm dành tặng cho người cao tuổi, trẻ mồ côi tại Nhật Bản. Ảnh: Mainichi.

“Nhà cô ấy có con nhỏ, điều kiện lại khó khăn, bận tối mắt tối mũi cả ngày, đến lúc được nghỉ thì rau thịt ngoài chợ cũng đã hết sạch trong khi mình lại dư thừa. Đây cũng coi như một cách giúp đỡ người khác trong giai đoạn ai cũng khó khăn cả”, bác Tâm nói.

Trước tình cảnh người cao tuổi, người khuyết tật không có cơ hội chen chân mua đồ, nhiều siêu thị trên thế giới cũng đưa ra giải pháp giúp đỡ các đối tượng này.

Woolworths, chuỗi tạp hóa lớn nhất Australia với 995 cửa hàng, mở cửa sớm hơn 1 tiếng so với thường lệ dành cho những người già và tàn tật.

Trên trang chính thức, tập đoàn này thông báo: “Động thái này của chuỗi tạp hóa chúng tôi xuất phát từ nhu cầu mua sắm chưa từng thấy trong tuần vừa qua. Trong đó, nhiều người cao niên và người yếu thế trong xã hội không mua được những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống của họ”.

Bên cạnh đó, một trung tâm mua sắm ở Bắc Ireland cũng mở bán vào khung giờ đặc biệt dành cho những khách hàng cao tuổi hoặc khuyết tật.

Thành phố Jersey (bang New Jersey, Mỹ) thông báo họ đang làm việc với các cửa hàng tạp hóa tại đây để tạo điều kiện cho tập khách hàng yếu thế trong xã hội, bao gồm cả phụ nữ mang thai.

Xét cho cùng, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc sẻ chia khó khăn giữa cộng đồng là điều cần thiết để đem lại một bằng chung đều được phòng vệ và đảm bảo an toàn sức khỏe.

Đây không phải là cuộc đua xem ai nhanh chân hơn thì khôn ngoan hơn, biết tính toán xa, lường trước tình hình tốt hơn. Đây cũng không phải cuộc đua để xem ai có điều kiện hơn thì tồn tại, khả năng sống sót cao hơn.

Trong khi đó, những điều mỗi cá nhân cần làm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng là lắng nghe và tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ, Bộ Y tế, tránh gieo rắc hoang mang vào một tình thế vốn đã có quá nhiều lo âu.

Trong đám đông hỗn loạn, luôn cần những cái đầu tỉnh táo.

Bài viết liên quan

Evastyle.vn là chuyên trang mang đến xu hướng, phong cách mới nhất giúp nàng sành điệu, xinh đẹp và sâu sắc hơn. Evastyle còn cập nhật mọi điều mà một cô nàng hiện đại quan tâm như bí quyết làm đẹp, thông tin văn hóa, thời trang, phim ảnh, địa điểm du lịch, ẩm thực. Ngoài ra, Evastyle cũng mang đến những nhân vật truyền cảm hứng, đầy thú vị…