Khi Tây "mắc kẹt" ở ta...

Bài viết của

“Mắc kẹt” ở Việt Nam ngay trong mùa dịch COVID-19, những người nước ngoài cũng chật vật đủ nghề để mưu sinh. Họ vẫn lạc quan vào ngày mai…

Những anh chàng ngoại quốc giữ xe

Trong một lần tình cờ, tôi quen được nhóm người nước ngoài đang làm nhiệm vụ giữ xe ở khu vực quận 1, TPHCM. Anh Lee Young Woo (50 tuổi, người Hàn Quốc) vừa treo lủng lẳng ổ bánh mì và hai bịch chè trên xe máy, vừa tranh thủ trò chuyện trước giờ đi làm: “Tôi làm từ 8g30 đến 22g30 ở một cơ sở làm đẹp trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1). Công việc khá nhẹ nhàng là trông giữ xe cho khách, bảo vệ cho tiệm không bị mất cắp…”. 

Lee kể, cuối năm 2020, khi đang ở quận 7, TPHCM, anh bị mất toàn bộ giấy tờ, visa, tiền bạc. Trong thời gian chờ đại sứ quán hỗ trợ, anh không có chỗ ăn ngủ, phải nương nhờ vỉa hè qua ngày. “Một người dân thấy vậy đã giới thiệu cho tôi công việc giữ xe này. Từ đó, tôi không còn lo chuyện ăn ở, mỗi tháng còn có lương để trang trải cuộc sống. Tháng Năm này tôi được cấp lại visa, nhưng vẫn muốn ở lại TPHCM làm việc” - anh Lee tâm sự.

Mike Rizzo (thứ hai từ phải sang)  giúp các bạn trẻ học tiếng Anh
Mike Rizzo (thứ hai từ phải sang) giúp các bạn trẻ học tiếng Anh
 

Dehbi Mohamed (25 tuổi, quốc tịch Algeria) đang giữ xe tại một quán ăn ở quận 1, TPHCM. Sau một hồi tôi lân la làm quen, Dehbi dần cởi mở và cho biết anh vốn là sinh viên, đến Sài Gòn du lịch rồi mắc kẹt đã hơn 20 tháng. Trong thời gian chờ để có thể về nước, Dehbi tìm được công việc bảo vệ, trông giữ xe và mong ước có thể sử dụng vốn tiếng Anh của mình để dạy thêm.

“Mỗi tháng, tôi được trả lương khoảng 6-7 triệu đồng, đủ để thuê nhà và chi tiêu ăn uống. Ở Việt Nam, tôi thấy rất an toàn. Các bạn chống dịch rất tốt và cũng rất thân thiện, hiếu khách. Cảm ơn các bạn vì đã bao bọc tôi, giúp tôi có thể sống tại một nơi xa lạ lâu như vậy mà không cảm thấy nhớ nhà…” - anh bày tỏ.

Chàng trai Algeria này còn tự hào khoe mình có thể lái xe máy rất giỏi, thuộc được nhiều tuyến đường ở Sài Gòn và không còn bị lạc như trước…

Từ dạy học đến gánh hàng rong

Những du khách nước ngoài kẹt lại ở Sài Gòn do dịch có thể nhận làm bất cứ việc gì để mưu sinh, miễn là nghề chân chính.

Mike Rizzo (26 tuổi, quốc tịch Mỹ) vốn là tình nguyện viên đến Việt Nam để dạy tiếng Anh, chăm sóc trẻ em ở các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, tặng thức ăn cho người già… Sau khi hoàn thành thời gian tình nguyện, anh “mắc kẹt” tới giờ.

Để có thể sinh sống ở Sài Gòn, Mike chọn nghề dạy thêm tiếng Anh trong hai năm qua. “Tôi thấy mình may mắn khi ở lại Việt Nam. Tôi rất tin vào y tế của nước bạn, rất thích người Việt Nam vì sự thân thiện, cởi mở. Hầu như không có sự phân biệt đối với người nước ngoài. Người dân còn giúp đỡ khi chúng tôi gặp khó khăn” - Mike chia sẻ.

Chàng trai người Mỹ gốc Việt Albert Andrews (thường gọi là Bơ) lại cảm thấy hạnh phúc khi được ở lại quê mẹ Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn này. “Hôm qua Bơ mới gọi Messenger với bạn bè ở Mỹ, họ ghen tỵ với Bơ lắm, bảo Bơ “sướng” vì tự do, muốn gặp gỡ bạn bè, đi chơi đều được. Còn ở Mỹ nhiều nơi vẫn bị phong tỏa, bạn Bơ chỉ ở nhà thôi. Buồn lắm!”.

Bơ vẫn không quên được ấn tượng khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 3/2020. Lúc đó, anh cảm thấy lo lắng khi một số người chưa hiểu về tình trạng lây nhiễm, cho rằng người nước ngoài thường mang mầm bệnh. “Cũng may, nhờ được tuyên truyền tốt, họ đã thay đổi cách nghĩ. Tôi cũng yên tâm khi làm việc ở Việt Nam và cảm thấy mình may mắn vì vẫn có công việc để làm”, Bơ chia sẻ.

Trong khi đó, chị Irina Khmilnikova (47 tuổi) người Belarus, lại chọn xuống đường bán hàng rong khi mắc kẹt ở Sài Gòn. Chiều nào cũng vậy, tầm 16g, chị Irina lại rảo bộ quanh các con đường gần chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) để bán bánh kem do chị tự làm. 

Chị Irina Khmilnikova (người Belarus) luôn tươi cười chào mời khách mua bánh do mình làm
Chị Irina Khmilnikova (người Belarus) luôn tươi cười chào mời khách mua bánh do mình làm

Là hướng dẫn viên du lịch, Irina đã đi qua rất nhiều nơi trên thế giới (Chile, Ai Cập, Thái Lan, Israel, Ukraine, Nga…). Cuối năm 2019, khi đặt chân đến Việt Nam, chị đã “phải lòng” đất nước này. “Tháng 2/2020, tôi trở lại và muốn có một công việc ở Việt Nam. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực du lịch, đưa ra các tour cho du khách Nga. Tuy nhiên, dịch COVID-19 làm mọi thứ thay đổi…” - Irina nói.

Không thể dẫn tour du lịch như trước, Irina chuyển qua bán bánh kem. Bánh do Irina và những người bạn của chị cùng làm theo công thức của Nga rất được yêu thích vì ngon và lạ miệng. “Tôi thuê nhà gần chợ Tân Định để tiện cho việc đi bộ bán hàng vì không có xe máy. Buổi sáng, tôi bán bánh ở khu vực chợ Tân Định, nhà thờ Tân Định, đường Nguyễn Hữu Cầu; buổi chiều thì bán ở các trường học gần khu vực này. Lúc đầu, mọi người ngạc nhiên nhưng giờ thì quen rồi. Tôi có rất nhiều khách mối, ngày nào họ cũng ủng hộ”, chị vui vẻ tâm sự.

“Nếu sắp tới du lịch trở lại như bình thường, cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng hơn. Còn không, tôi buộc phải học tiếng Việt để thuận lợi hơn cho cuộc sống và công việc sau này. Tôi còn dự tính sẽ rủ các con về sống tại Việt Nam”. Irina chia sẻ dự định của chị.

Còn Albert khẳng định anh chỉ muốn ở lại Việt Nam. Tuy nhiên, anh cũng lo lắng vì visa sắp hết hạn, không biết sắp tới sẽ thế nào. Dẫu vậy, anh vẫn lạc quan và cho biết anh đang tìm cách trả ơn Sài Gòn bằng cách dạy tiếng Anh miễn phí cho những ai có nhu cầu. Anh sáng tác nhạc và làm những dự án liên quan đến nghệ thuật. Anh giới thiệu với bạn bè quốc tế về quê hương, đất nước, con người nơi đây và muốn làm nhiều hơn nữa; chẳng hạn như tổ chức các lớp học, giao lưu tiếng Anh với học sinh, sinh viên…

Gia đình thứ hai

Anh Trần Thiện Phương, Giám đốc Công ty Giữ xe chuyên nghiệp Leosix - người đã giúp đỡ những người bạn nước ngoài này bằng cách cho họ việc làm và trả họ mức lương có thể trang trải qua mùa dịch - kể anh có cơ duyên biết được tình trạng của những người bạn ngoại quốc này nên nhận họ vào làm việc.

Anh Trần Thiện Phương (áo xám) đã hỗ trợ  rất nhiều người bạn ngoại quốc trong mùa dịch
Anh Trần Thiện Phương (áo xám) đã hỗ trợ rất nhiều người bạn ngoại quốc trong mùa dịch

Hiện tại, anh Phương đang tạo việc làm cho sáu người với nhiều quốc tịch (Ấn Độ, Algeria, Hàn Quốc). “Họ qua Việt Nam làm thầy giáo và đầu bếp. Do dịch, họ mất việc; không có tiền ăn, thuê nhà… Thấy vậy, những người bạn quen biết đã nhờ tôi nhận họ vào làm việc. Lúc đầu, tôi hơi lo vì bất đồng ngôn ngữ, không biết tính tình họ thế nào… nhưng nghĩ thôi kệ, cứ tạm thời giúp họ mưu sinh. Họ đang bơ vơ trên đất khách quê người, có gì tính sau. May mắn là họ làm việc rất siêng năng” - anh Phương nhìn nhận.

Đến nay đã hơn nửa năm trôi qua, số người nước ngoài được anh Phương cưu mang và tạo việc làm cũng tăng lên. Có thời điểm, công việc kinh doanh của anh Phương cũng bị ảnh hưởng do dịch nhưng anh chưa bao giờ tinh giản nhân viên.

“Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Nếu bây giờ mình cho họ nghỉ việc, không biết họ sống thế nào khi không có người thân, bạn bè ở đây. Thôi thì giúp được đến lúc nào thì giúp, nếu họ muốn ở lại và tìm việc làm có thu nhập cao hơn, tôi cũng sẵn sàng tạo điều kiện. Nơi đây chính là gia đình thứ hai của mọi người chứ không chỉ là chốn “làm công ăn lương” - anh Phương nói. 

Bài viết liên quan

Evastyle.vn là chuyên trang mang đến xu hướng, phong cách mới nhất giúp nàng sành điệu, xinh đẹp và sâu sắc hơn. Evastyle còn cập nhật mọi điều mà một cô nàng hiện đại quan tâm như bí quyết làm đẹp, thông tin văn hóa, thời trang, phim ảnh, địa điểm du lịch, ẩm thực. Ngoài ra, Evastyle cũng mang đến những nhân vật truyền cảm hứng, đầy thú vị…