Helly Tống: “Phải thấu hiểu để bản thân cảm thấy kết nối”
Ngồi trò chuyện với Helly Tống trong không gian Lại Đây Refill Station, thương hiệu sống xanh mà chị đã đồng sáng lập cách đây một năm, tôi càng lúc càng bất ngờ về nữ doanh nhân trẻ này khi câu chuyện đi theo nhiều lối rẽ khác trong đời sống của cô.
Tống Khánh Linh hay Helly Tống từng nổi tiếng với danh hiệu fashionista ở độ tuổi 18, sau đó một năm, cô càng trở nên đình đám hơn khi quyết định bỏ Đại học Macquarie, Úc để quay về Việt Nam khởi nghiệp với thương hiệu Heverly. Ngỡ tưởng sẽ trở thành doanh nhân của một chuỗi Heverly, nhưng sau đó, cô đã khép lại startup ấy. Gần hai năm sau, Helly Tống bắt đầu lại với The Yên Concept và Lại Đây Refill Station, tiếp tục chặng đường mới trong hành trình kinh doanh “sống xanh” đúng với cá tính của cô, một người ăn chay trường đã được 8 năm.
Nhìn Helly Tống, không ai nghĩ rằng ẩn đằng sau nàng thơ xinh xắn điệu đà ấy lại là một cốt cách mạnh mẽ và cá tính đến lạ thường. “Các bạn hồi xưa hay bảo mình là quái xế hay tay lái lụa đấy!” – Helly cười nghiêng ngả. Sau khi sở hữu chiếc xe BMW X6 trắng sporty, nàng tiếp tục hành trình “xé gió cung đường” cùng chiếc mô-tô mới. Càng trò chuyện, càng thấy ở người phụ nữ khôn ngoan, tài sắc vẹn toàn này là ý thức lối sống bền vững không chỉ trong kinh doanh mà còn trong đời sống sinh hoạt.
Chào Helly! Đã 5 năm trôi qua kể từ khi ra mắt Heverly và hiện tại chị cũng không còn đồng hành với thương hiệu này. Giờ đây nhìn lại, có bao giờ Helly cảm thấy hối tiếc?
Hồi xưa, khi làm Heverly, đó là một sản phẩm hoàn toàn khác so với bây giờ. Heverly liên quan đến thời trang, nhà hàng và mỹ phẩm. Tôi bắt đầu ở độ tuổi còn trẻ, khi chưa có nhiều va chạm và đơn thuần khởi nghiệp dựa trên năng khiếu vẽ và sở thích thời trang của mình. Hồi 18 tuổi, mọi người hay gọi tôi là fashionista, là một cô gái thích chia sẻ về phong cách ăn mặc, nhưng sau một thời gian đồng hành cùng Heverly, tôi mới phát hiện mình còn nhiều thiếu sót về mặt kiến thức.
19 tuổi bỏ Đại học Macquarie, Úc với chuyên ngành Quản trị kinh doanh để quay về nước khởi nghiệp, chất xám của tôi trong lĩnh vực thời trang khá khiêm tốn. Chưa kể, Heverly lại liên quan đến nhà hàng, kiến thức trong mảng F&B của tôi cũng chưa được trau chuốt nhiều. Khi nhìn về tương lai, lúc ấy, tôi đã tự hỏi khi những thương hiệu nước ngoài về, liệu Heverly có gì khác biệt? Cùng với giá đó, chất lượng đó, người ta thường thích các thương hiệu nước ngoài uy tín và có chiều dày lịch sử hơn. Khi suy niệm những gì mình đã làm trong thời gian qua, cuối cùng, tôi đã ngưng “đứa con tinh thần” đầu tiên của mình.
The Yên Concept và Lại Đây Refill Station lần lượt ra đời khoảng gần hai năm sau đó. Bước ngoặt quan trọng nào đã khiến Helly thay đổi quyết định để dấn thân vào hai startup hoàn toàn khác với sứ mệnh của Heverly?
Sau Heverly, tôi không lập tức bắt tay vào một hoạt động kinh doanh mới mà chỉ tham gia hoạt động nghệ thuật để có thời gian rỗi rảnh nhiều hơn. Tôi tập trung suy niệm về bản thân: “Mình thật sự có thể cống hiến cho xã hội như thế nào?”
Tình cờ, khi làm một chương trình giáo dục trẻ em, tôi phát hiện trong chủ đề “design thinking” có 4 bước: Feel (cảm nhận) – Imagine (Tưởng tượng) – Do (làm) và Share (Chia sẻ). Trong 4 bước đó, bước cốt lõi là cảm nhận. Mỗi chúng ta sinh ra đều có sứ mệnh riêng của mình, và để thực hiện nó một cách lâu dài và bền vững, chúng ta phải đi từ “cảm nhận” – liệu trái tim mình cảm nhận rõ cái gì và bắt đầu nhận ra con người mình hợp với điều gì, từ đó mới biết được lĩnh vực mà mình cần làm để có thể cống hiến cho xã hội.
Cũng trong khoảng thời gian này, bắt nguồn từ việc ăn chay trước đó, tôi cảm thấy mình bắt đầu quan tâm đến việc sống xanh và môi trường nhiều hơn. Thói quen ăn chay của tôi đến từ việc không muốn giết động vật và khi tìm hiểu kỹ, bạn cũng biết ăn chay sẽ bảo vệ hệ sinh thái của trái đất. Khi tìm hiểu về từ khóa này, tôi quyết định biến ý tưởng “sống xanh” bằng mô hình kinh doanh The Yên Concept vì cảm thấy nhiều người chưa hoàn toàn gắn kết với thiên nhiên.
Chúng ta biết, con người có 3 điểm gắn kết: kết nối với con người, với chính bản thân họ và với thiên nhiên. Trong khoảng 3 hay 4 năm trước, trong mô hình tam giác cân, con người quan tâm đến cơm áo gạo tiền nhiều hơn. Chính vì vậy, The Yên Concept ra đời với mong muốn đem lại không gian xanh cho từng ngôi nhà khiến đời sống tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Bạn biết đấy, khi về rừng, không khí và tinh chất tỏa ra khiến mọi căng thẳng và chất độc trong cơ thể cũng được tiết ra. Chưa kể, cây xanh còn có khả năng lắng nghe nữa.
Một năm nay, song song với The Yên Concept, tôi đồng sáng lập Lại Đây Refill Station với mong muốn thông qua mô hình này, có thể tác động đến thói quen mua sắm bền vững của người tiêu dùng. Tôi không muốn mỗi sáng mai thức dậy, mình lại tiếp tục mua một món nhựa nữa, và nếu người ta không làm thì mình sẽ phải làm.
Phong trào sống xanh hay kinh doanh bền vững được mọi người truyền cho nhau. Nhưng mọi vấn đề trong đời sống này đều luôn có mặt trái của nó. Theo Helly, mặt trái hiện tại của phong trào bền vững là gì?
Không chỉ riêng phong trào bền vững mà bất cứ một phong trào nào đó xuất hiện, nhiều người chưa thể định nghĩa được nó là gì. Bạn chỉ nghĩ bạn làm vì có nhiều người làm, như vậy, yếu tố “cảm nhận” mà tôi chia sẻ ở trên đã bị phớt lờ. Bạn phải thấu hiểu vì sao bạn muốn làm nó, để cảm thấy bản thân kết nối với nó chứ không đơn giản vì ai đó nói làm nên bạn mới làm, hay đám đông làm nên bạn hùa theo.
Nói về sống xanh, câu chuyện không hề phức tạp như bạn nghĩ. Sống xanh chỉ đơn giản là sống theo cách mà ông bà mình từng sống, không có nhu cầu nhanh tiện, sống hòa hợp và trong vòng tròn khép kín. Nhưng bây giờ, khi kinh tế phát triển, nhu cầu con người tăng lên và họ hoàn toàn khó có thể tiết chế.
Một yếu tố tiêu cực khác là có người làm nhưng làm không tới hoặc người ta vô tình thực hiện “sống xanh” như một phong trào thế thôi. Chỉ khi nghiêm túc nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục thói quen bừa bãi như hiện tại, bạn sẽ trở thành nạn nhân, con cháu đời sau của bạn cũng sẽ trở thành nạn nhân, khi đó, bạn sẽ hoàn toàn “cảm nhận” được mà thay đổi tích cực.
Helly hãy chia sẻ một chút về mô hình kinh doanh của Lại Đây Refill Station, yếu tố bền vững của thương hiệu được thể hiện ở đâu?
Bất cứ một mô hình kinh doanh nào cũng phải liên quan từ bước bắt đầu đến lúc kết thúc. Vấn đề thứ nhất, tôi coi trọng bước đầu tiên là sản phẩm đến từ đâu và khoảng cách cung ứng như thế nào. Về chuỗi cung ứng, mục tiêu của tôi là 100% “Local-to-local” (Địa phương tới địa phương, LOC). Nhưng hiện tại, LOC của bên tôi chỉ mới đáp ứng khoảng 75% vì chưa có một nhà sản xuất địa phương nào đáp ứng được nhu cầu sản phẩm của thương hiệu, trong khi, chúng tôi cần các sản phẩm bền vững hoàn hảo. Tôi cũng đặt ra thời gian cụ thể có thể lấp đầy 25% còn lại trong mục tiêu doanh nghiệp.
Đa số các sản phẩm của Lại Đây Refill Station đều sử dụng vật liệu bền vững như thủy tinh hay sản phẩm tái chế. Chúng tôi khuyến khích khách hàng mang túi xách đến mua hàng hay tổ chức workshop để chia sẻ về câu chuyện bền vững. Hiện tại, Lại Đây Refill Station đang tập trung vào thị trường Sài Gòn là chính nhưng tôi cũng đang muốn mở rộng thị trường để thông điệp có thể lan nhanh bằng con đường “người thật, việc thật” tại địa phương khác.
Vừa hoạt động nghệ thuật, vừa quản lý hai thương hiệu “sống xanh”, một ngày của Helly Tống thường diễn ra như thế nào?
Thật thế, do phải đảm đương nhiều công việc nên thông thường, tôi sẽ phải thức dậy lúc 6 giờ sáng và kết thúc công việc lúc 12 giờ đêm nếu hôm đó có sự kiện hay chụp quảng cáo. Thiên hướng của tôi liên quan đến marketing, nên tôi phải chuẩn bị sản phẩm, key visual hướng đến như thế nào trong tương lai. Chưa kể, tôi cũng hoạt động giáo dục, thường có buổi chia sẻ ở trường đại học, đại sứ quán.
Thành công đến sớm, là một “role model” cho các bạn trẻ, liệu Helly Tống đã từng hay hiện cũng đang có một “role model” nào đó cho riêng mình?
Sự thật là tôi không có một “role model” nào cho mình cả. Tôi nghĩ, mọi người ở đây, dù thành công hay chưa thành công đều có nguồn năng lượng và cảm hứng khác nhau. Khi một ai đó làm tốt, tôi sẽ được truyền cảm hứng để làm tốt như thế. Nhưng ngay cả người không làm tốt thì bản thân tôi cũng được truyền động lực rồi vì mình sẽ nhận ra không ai là hoàn hảo. Và bản thân sẽ nỗ lực để mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn.
Một vài người góp ý riêng rằng nếu bạn chưa thành công thì hãy bắt chước thói quen của những người thành công. Theo tôi, một trong những yếu tố quan trọng nhất của con người chính là thói quen.
Giống như đồng xu, nếu mặt bên này là thành công thì mặt bên kia là thất bại. Helly Tống đã nhận ra và đối diện với thất bại của mình như thế nào?
Khi nói về thành công, mỗi người đều có quan niệm khác nhau nhưng quan trọng chính là sự tự thỏa mãn riêng của mỗi người. Tôi nghĩ, thất bại trong quá khứ của tôi đến từ chính tham vọng của bản thân.
Khi ta không biết vừa đủ, ta luôn cảm thấy mình có thể làm mọi thứ. Nhưng, con người cũng chỉ có bấy nhiêu năng lượng thôi, khi biết vừa đủ, ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn.
Khi ta không biết vừa đủ, ta luôn cảm thấy mình có thể làm mọi thứ. Nhưng, con người cũng chỉ có bấy nhiêu năng lượng thôi, khi biết vừa đủ, ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn. Hồi xưa, tôi thất bại vì tôi làm nhiều thứ. Cuối cùng, không có thứ gì tốt cả. Hiện tại, tôi cố gắng làm mọi thứ cùng một giá trị cốt lõi giống nhau, tôi có thể kiểm soát được nó.
Là một nữ doanh nhân trẻ, Helly có thể “bật mí” về phong cách lãnh đạo của mình?
Phong cách lãnh đạo của tôi khá chậm vì tôi có thiên hướng chia sẻ để mọi người cảm nhận trước. Tôi tin là niềm tin rất quan trọng, niềm tin có thể chiếm luôn cả tốc độ trong công việc. Tốc độ làm việc của con người nhanh hay chậm đều xuất phát từ niềm tin của họ. Nếu niềm tin của họ giảm, tốc độ làm việc giảm. Khi niềm tin vững chắc như giá trị cốt lõi, tốc độ của họ luôn luôn tốt.
Thế nên, ngày đầu tiên, tôi luôn chia sẻ cho nhân viên của mình về triết lý, sứ mệnh và tầm nhìn vì tôi tin rằng mọi người đến đây không chỉ để bán một sản phẩm. Khi mọi người cùng chia sẻ tầm nhìn với CEO/nhà sáng lập doanh nghiệp, tôi biết niềm tin của họ đã vững và càng tin vào tốc độ làm việc của họ.
Tôi tin là niềm tin rất quan trọng, niềm tin có thể chiếm luôn cả tốc độ trong công việc. Tốc độ làm việc của con người nhanh hay chậm đều xuất phát từ niềm tin của họ.
Thế còn về phong cách thời trang, nếu chỉ được giữ 5 món đồ trong tủ, chị sẽ chọn những gì?
Phong cách thời trang của tôi tối giản, thanh lịch và thoải mái. Trước tuổi 20, tôi dùng đồ hiệu nhiều, từ túi xách, quần áo, giày dép, đến các phụ kiện cao cấp khác. Nhưng giờ đây, tôi mua sắm rất ít và khi ra nước ngoài, tôi đến các cửa hàng “second-hand” để mua lại trang phục, phụ kiện. Khi mua món đồ mới, tôi chú trọng vào chất lượng của nó. Uniqlo và Cos là hai thương hiệu mà tôi lựa chọn.
5 món đồ trong tủ quần áo mà tôi lựa chọn là đầm dài kín, áo sơ-mi, quần jeans, váy xòe và áo khoác (kiểu vest).
Được biết, Helly Tống còn là một người đam mê đồng hồ?
Đúng là ngày xưa tôi có kha khá đồng hồ nhưng bây giờ, tôi chỉ mang đồng hồ Cartier. Khi đã sống tối giản, tôi không muốn suy nghĩ ngày mai mình đeo gì, ngày kia đeo gì. Tôi thích đồng hồ Cartier vì nó là một nhãn hiệu lâu đời có DNA thương hiệu đặc trưng. Chiếc đồng hồ tôi mang trên tay có phong cách cổ điển, unisex, đi cùng với thời gian.
Là một người phụ nữ phong cách, hẳn Helly cũng yêu thích túi xách. Hiện tại, chị thường chọn những túi xách như thế nào?
Nếu câu hỏi này được đặt cách đây 4, 5 năm trước thì câu trả lời là có, nhưng hiện tại, tôi hầu như chỉ mang túi ba gang với chất vải canvas. Bản thân tôi ăn chay, và sống xanh nữa nên nếu đeo một chiếc túi da thì thật không hợp với cá tính của mình.
Những ngày đi sự kiện, tôi thường mang túi cói hay túi nhựa tái chế mà bạn thường thấy ở một số nhãn hiệu châu Âu, Mỹ. Tôi không muốn tỏa sáng bằng những gì mình đang mặc, mà phải là từ tri thức và cách truyền cảm hứng của mình.
Là người đam mê du lịch, đâu là điểm đến yêu thích và kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
Có hai nơi trên thế giới này tôi đã từng ghé thăm và yêu thích: Bhutan và Iceland. Thực sự, khi đã hoàn thành hết sứ mệnh của mình ở đây, tôi mong muốn sẽ sống ở một trong hai nơi đó. Ở Bhutan hay Iceland, người dân cân bằng được việc gìn giữ tài nguyên môi trường và hạn chế khai thác nó. Thứ hai, ở đó ít dân, nhưng con người lại vô cùng gắn kết với nhau.
Khi đi du lịch, tôi thường hiking (đi bộ đường dài). Vào 4 năm trước, khi đi Iceland, tôi đã tham gia hiking với một đoàn người châu Âu và Mỹ. Họ rất ngạc nhiên khi thấy tôi trong đoàn vì tôi là một người Việt Nam. Chúng tôi leo một ngọn núi khó khăn trong 7 tiếng đồng hồ và tôi rất vui vì cuối cùng mình đã chinh phục được chặng đường gian nan dù thời tiết không hề thuận lợi như cả đoàn nghĩ.
Nếu để chọn một nơi trốn khỏi Sài Gòn, chị sẽ chọn nơi nào ở Việt Nam?
Chắc là Đà Lạt và tôi thường hay ghé đến khu nghỉ dưỡng Anamatara.
Chiếc xe mà chị đang đi?
Hiện tại là chiếc BMW X6 trắng. Nhưng sắp tới đây, tôi sẽ đi mô-tô. Với hình thể này, bạn hẳn sẽ bất ngờ nhưng ngay từ hồi xưa tôi đã đam mê tốc độ. Tôi đã leo lên xe máy đi từ cấp hai dù chưa ai dạy, đó là năng khiếu. Bạn bè hồi học sinh còn bảo tôi là “quái xế”. Khi trưởng thành, đa số những chiếc xe tôi chọn đều mang hơi hướm sporty.
Khi đi du lịch, nếu được chạy mô-tô, đó là một trải nghiệm mang tính chinh phục, giống như bạn đang chinh phục giới hạn của bản thân vậy. Và tôi yêu thích điều đó!
“Xe cổ, đồng hồ, nghệ thuật, bất động sản” – đâu là lĩnh vực mà Helly Tống đầu tư nhiều nhất?
Chắc chắn là nghệ thuật. Tôi không đam mê bất động sản lắm dù mẹ tôi làm trong lĩnh vực này hàng thập niên qua. Nghệ thuật khiến con người cảm quan thế giới mạnh hơn, khiến họ tái đầu tư nhiều hơn. Và, tôi rất thích nghệ thuật trừu tượng.
Người ta nói “bác học cũng phải học”, Helly Tống đang học chuyên sâu về lĩnh vực gì vậy?
Tôi đang học thêm về môi trường, vì khi kinh doanh bền vững, tôi muốn học để hiểu biết rộng và sâu hơn chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức bề nổi. Trong thời gian giúp một số bạn trẻ về mặt sức khỏe tinh thần, tôi đang muốn học lại về lĩnh vực tâm lý con người.
Tôi tin rằng việc học của con người ta không có giới hạn. Tôi đã từng trong đội tuyển bóng chuyền của trường, chơi các môn thể thao khác nhau, cũng chơi đàn, piano. Sắp tới đây, tôi muốn học thêm violin.
Thế còn về yoga và thiền định thì sao?
Khi công việc nhiều và thời gian bỗng trở nên eo hẹp, tôi đã bỏ yoga để chuyên tâm thiền định.
Thiền đơn giản là cảm thấy cơ thể ở mức độ thư giãn nhất. Nhiều người nghĩ, thiền là phải ngồi xuống và tập trung vào hơi thở. Đó là “meditation”, nhưng tôi muốn tập trung vào “mindfulness”(sự tỉnh thức, sự chú ý) nhiều hơn.
Khi thiền với sự tỉnh thức, bạn sẽ chú ý từ cái rộng đến cái gần nhất nơi mình, từ hơi thở, tiếng động nhỏ bé ngay quanh mình. Khi đạt được sự chú ý, độ nhạy cảm của ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Đối với tôi, thiền theo cách này có thể thực hiện khi tôi ngồi ăn, ngồi trên xe nhìn hàng cây đung đưa, như vậy, tôi đang đi về động cơ cơ bản nhất là sự thư giãn.
Cám ơn Helly Tống vì những chia sẻ rất chân thành!