Phim Việt đầu năm 2020 quảng bá rầm rộ, chất lượng quá tệ
Phim Việt ra rạp gần đây tuy số lượng không ít nhưng chất lượng đáng báo động. Một số phim có kịch bản và khâu sản xuất trung bình hoặc tệ dù được quảng bá rầm rộ. Một số là phim tồn kho, ra rạp mà không hề có hi vọng hòa vốn.
Từ đầu năm đến hôm 15-2, số lượng phim Việt ra rạp là 7 phim: Bí mật đảo linh xà, 30 chưa phải tết, Gái già lắm chiêu 3, Đôi mắt âm dương, Tiền nhiều để làm gì?, Bí mật của gió (đã hoãn chiếu), Sắc đẹp dối trá (phim Việt duy nhất ra rạp đợt 14-2). Duy nhất Mắt biếc là phim của năm 2019 còn trụ rạp.
Phim "thảm họa", vì đâu?
Trong số các phim vừa ra mắt, có thể gọi phim Bí mật đảo linh xà và Tiền nhiều để làm gì? là phim "thảm họa".
Hai phim này có lịch sử sản xuất khác nhau nhưng cách trở thành "thảm họa" lại khá giống nhau: kém về kỹ thuật điện ảnh, cũ về nội dung, giả tạo về cảm xúc và có nhiều tình tiết lố lăng, phản cảm.
Cả hai phim đều mắc rất nhiều lỗi: kịch bản phi lý, tính cách nhân vật khiên cưỡng, thông điệp không có hoặc có nhưng thể hiện rất hời hợt, gây cười lố lăng, diễn viên khoe thân không cần thiết. Ngoài ra là các lỗi về khâu hậu kỳ: lồng tiếng không khớp, kỹ xảo cẩu thả, dựng phim lộn xộn.
Bí mật đảo linh xà do Việt Nam và Hong Kong hợp tác, đạo diễn và diễn viên đến từ cả Việt Nam và Hong Kong. Cả nội dung và hình thức đều như phim Hong Kong dưới trung bình ở thập niên 1990.
Phim được quay từ mấy năm trước và mất khá nhiều thời gian làm hậu kỳ, cũng như ra mắt hạn chế ở rất ít rạp, chỉ có khoảng vài chục suất chiếu mỗi tuần. Chính vì vậy, Bí mật đảo linh xà bị coi như hàng tồn kho, ra rạp chỉ để... ra rạp chứ không mong chinh phục khán giả hay hòa vốn.
Cũng giống như Bí mật đảo linh xà, Tiền nhiều để làm gì? gây cảm giác là phim "thảm họa" ngay từ khi tung trailer và poster.
Poster được dân mạng ví là thiết kế bằng... phần mềm Word, còn trailer rất nhàm chán, cắt ra từ một đoạn trong phim. Phim được sản xuất từ tháng 3-2019 nhưng gây cảm giác rất cũ kỹ, không bắt kịp trình độ và xu thế điện ảnh hiện nay.
Sự cẩu thả trong sản xuất và quảng bá khiến khán giả phải đặt câu hỏi vì sao những phim này được làm ra?
Hụt hẫng sau Mắt biếc và Chị chị em em
Sau Mắt biếc và Chị chị em em (2019), hai phim Việt có trình độ sản xuất trội hơn so với mặt bằng chung, và đặc biệt là cơn sốt lớn Mắt biếc, khán giả có lẽ chờ đợi hơn vào phim Việt năm 2020.
Ít nhất, nếu chưa có phim tốt, họ hi vọng phim Việt không còn ngô nghê, lỗi thời và mắc quá nhiều lỗi kỹ thuật.
Nhưng 7 phim Việt đầu năm nay chưa thể đáp ứng kỳ vọng đó. Trong số 7 phim, chỉ Gái già lắm chiêu 3 có thiết kế sản xuất công phu, nội dung khá đầu tư dù cái kết gây hụt hẫng và phá hỏng một phần thông điệp ý nghĩa trước đó. Còn lại, các phim ở mức trung bình hoặc dưới trung bình.
Mới nhất, Sắc đẹp dối trá, phim đầu tay của hoa hậu Hương Giang trong vai trò diễn viên, gây thất vọng vì tiếp tục mắc điểm yếu cố hữu: kịch bản dở, không trọng tâm, ôm đồm quá nhiều chủ đề (chuyển giới, thi hoa hậu, truy sát) nhưng không một chủ đề nào được thể hiện kỹ.
Đặc biệt, chuyển giới và hoa hậu, hai chủ đề nhiều người cho rằng ít ai bộc lộ tốt hơn Hương Giang vì cô là "người thật việc thật", lại được thể hiện không thể qua loa hơn. Phim trở thành một tổng thể hời hợt và phi lý, chỉ mô tả được nhan sắc diễn viên chính.
Phần hóa trang nam giới được giới thiệu là do chuyên gia trang điểm Hollywood thực hiện cũng gây thất vọng.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Sắc đẹp dối trá được hoàn thành gấp rút cho lịch khởi chiếu vào tháng 12-2019 (nhưng rồi lại dời lịch sang tháng 2 năm nay). Vì thế, phim còn nhiều điểm chưa hài lòng.
Với ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khuyến cáo không tụ tập chốn đông người, thời điểm này khó tạo nên sự bùng nổ ở phòng vé, nhất là khi chất lượng phim không cao. Khán giả có thể trông chờ đến tháng 4 và tháng 5, khi một số phim hứa hẹn ăn khách như Lật mặt: 48h hay Trạng Tí ra mắt.
Vừa ra mắt, phải hoãn chiếu
Chưa trở lại rạp sau tuyên bố hoãn chiếu nhưng Bí mật của gió đã kịp chiếu sớm, do đó cũng có nhiều bình luận về phim.
Bộ phim phù hợp cho dịp 14-2 khi kể về tình yêu tuổi học trò chân thành, lãng mạn. Phim nỗ lực tạo nên câu chuyện sâu sắc khi kết nối giữa thời hiện đại và thời chiến tranh thông qua nhân vật chính là một hồn ma từ năm 1975.
Điểm yếu của Bí mật của gió nằm ở diễn xuất của cặp diễn viên chính: Khả Ngân và Quốc Anh. Cả hai làm khá tốt ở những cảnh vui vẻ, trẻ trung đúng lứa tuổi nhưng gây cảm giác đuối khi diễn các cảnh cảm động, đau khổ, đòi hỏi chiêm nghiệm sâu sắc.